19 thg 11, 2011

TẢN MẠN NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO

XUANDONGPHOTO BLOG 
 Nhân gian có câu : Không thầy đố mày làm nên. Câu này mình thấy luôn đúng trong mọi xã hội, mọi thời đại, cho dù đó là người thầy bằng xương bằng thịt hay chỉ là 1 cuốn sách hay hoặc một câu chuyện về một vĩ nhân nổi tiếng thì mình cũng đều coi đó là những vị thầy cao quý. Và quả thật, sự nên người của mỗi cá nhân trong xã hội không thể thiếu bàn tay hướng dẫn của những bậc thầy đó. Dù là thầy dạy chữ, thầy dạy nghề hay chỉ là vài ba lời khuyên đúng lúc của các bậc cao niên khi mình mới chập chững vào đời. Thế nhưng tình nghĩa thầy trò mỗi thời mỗi khác. Thời mình còn cắp sách đi học, nghề giáo luôn được tôn vinh, luôn được xã hội nhìn nhận với cái nhìn cao quý và trân trọng, tình thầy trò luôn gần gũi , thân quen như cha mẹ với con cái trong gia đình. Thời đó không có khái niệm “ kinh tế thị trường”, tình người luôn được đặt lên hàng đầu. Con người đối đãi nhau bằng tình cảm, nhân cách và danh dự kể từ giáo viên đến học sinh và các bậc phụ huynh đều nhìn nhau với ánh mắt đầy nhân ái, thân thiện cho dù đó là học sinh cá biệt hay người giáo viên khắt khe hoặc bậc phụ huynh khó tính. Nhiều câu chuyện cảm động đến giờ còn nhớ dù đã rời ghế nhà trường gần ba thập kỷ và có lẽ đến chết không quên. Những ai đã ngồi trên ghế nhà trường thời bao cấp hẳn đều có cho mình những câu chuyện thú vị làm hành trang cuộc sống sau này, khỏi cần kể ra vài chuyện cá nhân làm dẫn chứng cho mất công người đọc.
 Vào những ngày này này bây giờ, nhìn thái độ lũ trẻ ứng xử với ngày nhà giáo, và cái cách tặng quà của các bậc cha mẹ với thầy cô, mình hay ngậm ngùi nhớ lại chuyện xưa. Ngày mình bắt đầu vào học cấp II, mỗi năm đến trung tuần tháng 11, cả lớp, cả trường vui vẻ, náo nhiệt lắm. Hết chuyện làm bích báo, đến chuyện tổ chức liên hoan văn nghệ toàn trường rồi chuyện từng nhóm rủ nhau đi thăm thầy cô giáo vào ngày 20/11. Quà tặng thầy cô chả có gì, chỉ vài bông hoa gói vụng về hay món quà nhỏ làm lưu niệm nhưng thể hiện rất rõ và rất trân trọng tình cảm của học trò ngây ngô và tấm lòng thầy cô rộng mở. Không có phong bì cũng chả có rượu Tây hay những thứ xa xỉ khác, sang lắm thì có chút hoa quả gọi là nhưng những nụ cười và ánh mắt hân hoan thì không bao giờ thiếu. Ngày nay khác !!!

 Mình có một người thầy dạy nghề mà mình rất quý trọng về nhân cách, trí tuệ và tình yêu nghề của thầy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, một con người mẫu mực toàn diện. Ngày trẻ thầy là phóng viên báo ảnh chuyên về mảng chụp các lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp từ những ngày còn trong chiến khu Việt Bắc, sau giải phóng thầy về làm cho TTXVN …. Ngày mình mới chập chững bước chân vào làng ảnh , chính thầy Định đã chỉ bảo tận tình mình trong những kỹ thuật nghề nghiệp, từ cách tráng phim, đến kỹ năng buồng tối.v.v… và đặc biệt thầy luôn nhấn mạnh đến lương tâm người cầm máy. Mặc dù lúc đó khoảng năm 1992, 1993 gì đó thầy đã gần 70 nhưng thầy vẫn nhanh nhẹn và phong độ lắm, mái tóc bạc trắng bay phất phơ trong nắng chiều ngoại ô , mồ hôi nhễ nhại , máy ảnh trên tay luôn hoạt động soành soạch là hình ảnh không thể quên về người thầy đầy đam mê và nhiệt huyết. Chính thầy chứ không ai khác đã truyền cho mình nguồn cảm hứng và tình yêu nghề đến tận bây giờ. Nay thầy đã đi xa mãi, ở thế giới bên kia chắc thầy đã gặp lại những vĩ nhân mà thầy rất quý trọng. Con nhớ ơn thầy lắm !

 Trong nghề ảnh mình còn một người thầy nữa là Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lại Hiển, thầy Hiển năm nay cũng đã khoảng 70, xưa thầy Lại Hiển làm việc cho báo ngành An ninh, sau thầy chuyên chụp chân dung các người đẹp thời đó làm lịch và in ấn bản phẩm. Nhà thầy trên phố hàng Ngang, Thầy Lại Hiển là người có cái nhìn di dỏm nhưng sâu sắc về nhân tình thế thái. Sống ở Hà Nội từ bé nên thầy có cách đối nhân xử thế đúng chất Hà thành, hào hoa phong nhã, lịch lãm mà cao sang.  Chuyện về thầy Lại Hiển thì dài và nhiều nhưng có những chuyện mình luôn khắc cốt ghi tâm không bao giờ quên được. Dạo ấy khoảng năm 1995, Thầy Hiển mở 1 cái studio tại phòng 207 nhà B cung văn hóa Hữu Nghị và mời mình về cộng tác chụp thời trang và chân dung cho mọi đối tượng. Lúc đó mình chụp studio cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, thất bại là chuyện bình thường nhưng thầy luôn tận tình chỉ bảo, động viên khuyến khích mình sáng tạo và làm việc bằng những câu chuyện, điển tích dí dỏm và hài hước khiến mình quên khó khăn mà tiếp tục làm việc và dần đi đến thành công như hôm nay. Có lần, mình để xe đạp dưới sân cung văn hóa và đi chụp ảnh. Rõ ràng đã khóa cẩn thận vậy mà khi về đến nơi, cái xe đạp đã biến mất chỉ còn trơ lại mỗi vết bánh xe trên nền sân vắng ngắt. Mình dấu không nói, nhưng chuyện đến tai thầy Hiển, thầy gọi mình ra đưa mình 300 ngàn nói - cháu cầm tạm ít tiền, mai ra chợ mua xe khác lấy cái mà đi, chú cũng chả có nhiều. (chiếc xe đạp ngày đấy chỉ khoảng 400 ngàn đồng ) Mình cảm động lắm nhưng không dám lấy của thầy vì mình cũng biết rõ gia cảnh của thầy. Xin cảm ơn thầy đã cho con biết thêm nhiều điều bổ ích.

 Nhân ngày nhà giáo, kính dâng những người thầy quá cố nén tâm nhang, kính chúc những người thầy đang hưởng thọ sống lâu trăm tuổi .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét