24 thg 11, 2011

MÙI NGỌT NGÀO CỦA SỰ THẤT BẠI

XUAN DONG PHOTO-BLOG
Mình đọc bài này đã lâu, xong quên mất . Và mình cũng đã nếm thử mùi vị như trong bài viết và cũng đã nhận ra sự ngọt ngào thế nào. Hôm nay bỗng dưng lục lọi trong máy tính đọc lại thấy giật mình. Up lại lên đây chia sẻ để chiêm nghiệm. 
Nhiều người sở hữu chiếc Harley Davidson đã tỏ ra thất vọng khi hãng sản xuất xe máy phân khối lớn này cho ra lò một loạt các sản phẩm quần áo, giày dép, hộp quẹt và cả nước hoa mang thương hiệu tương tự.
Trên các tạp chí hay trong vô số những cuộc hội thảo, Kevin Roberts, trưởng ban chấp hành toàn cầu của Saatchi & Saatchi đã nói đến “tính huyền thoại của thương hiệu”. Roberts cho rằng những thương hiệu mạnh nhất phải được xây dựng được giá trị như một huyền thoại. Một trong những thương hiệu được coi là khá thành công theo ông chính là Harley Davidson - hãng sản xuất xe máy phân khối lớn hàng đầu thế giới.
 Những người sở hữu chiếc Harley Davidson họ không chỉ trung thành mà còn yêu thương hiệu này. Họ không quan tâm đến việc chiếc xe đó có tốt nhất về kỹ thuật hay không mà là những phụ kiện đi kèm với người lái chiếc Harley Davidson này.

Sonny Barger - Câu lạc bộ môtô Những Thiên thần của Địa ngục - viết: "Điều thực sự đáng nói về một chiếc Harley là âm thanh của nó… mọi người đều yêu thích tiếng bô xe.

Một điều khác nữa mà những người sở hữu xe Harley đam mê là sức mạnh của nó, chỉ trong nháy mắt chúng đã có thể đạt đến tốc độ 90 dặm một giờ. Tốc độ không thực sự là điều quan tâm của những người lái xe Harley mà chính là sự cảm nhận về sức mạnh của chúng. Những chiếc môtô của người Nhật cũng có sức mạnh nhưng điều chúng thiếu chính là sự cảm nhận này về sức mạnh". Sự thu hút của một chiếc Harley là ở sự thể hiện nam tính của chúng và khách hàng của họ đã đẩy tính trung thành thương hiệu lên đến hết mức. Quả vậy, nhiều chủ xe Harley cuồng tín còn xăm hình và thương hiệu Harley lên cơ thể của họ.

Công ty Harley Davidson đã nỗ lực sử dụng lợi thế của sự cảm nhận mạnh mẽ này bằng cách mở ra một chuỗi những cửa hàng chuyên bán những hàng hóa dưới tên thương hiệu Harley Davidson - áo thun, vớ, hộp quẹt và các vật dụng trang hoàng cho xe. Trong khi những khách hàng chính của Harley Davidson có thể kết tội họ đã thương mại hóa quá mức thương hiệu thì vấn đề thực sự đã nẩy sinh khi Harley Davidson tung ra một loạt các loại nước hoa và nước dùng sau khi cạo râu.

Bạn muốn xây dựng thương hiệu ngày hôm nay để rồi bán được hàng hóa trong ngày mai. Hay bạn muốn mở rộng thương hiệu ngày hôm nay để bán được hàng hóa trong ngày hôm nay rồi nhìn nó úa tàn đi vào ngày mai?

Mở rộng dòng sản phẩm, thiết lập siêu thương hiệu, định giá thay đổi và vô số những kỹ thuật marketing phức tạp khác thường là đang vắt kiệt sữa từ các thương hiệu hơn là đang xây dựng chúng. Trong khi việc vắt sữa có thể đem lại những đồng tiền ngắn hạn trước mắt thì cơ bản về lâu dài nó sẽ vắt kiệt giá trị của thương hiệu cho đến khi nó không còn là “thế vì” cho một cái gì nữa cả.

Mỉa mai thay, mặc dù yêu cầu có nhiều sản phẩm hơn và việc mở rộng dòng sản phẩm của Harley Davidson là đi ngược lại với cách thức mà công ty đã xây dựng thương hiệu của họ từ những ngày đầu. Trong "Những Thiên thần của Địa ngục", Barger viết: "Harley đã vui hưởng một thị phần khổng lồ của một thị trường xe môtô rộng lớn từ nhiều chục năm qua. Họ kiểm soát 50% thị trường xe môtô, nửa còn lại là thuộc về những loại xe của người Nhật. Và kết quả là họ đã xử sự hơi quá với khách hàng của họ".

Một viên chức của Harley Davidson từng bị ghi nhận là đã nói như sau: “Sản xuất cho đủ những chiếc Harley sẽ là quá nhiều. Và nếu chúng tôi làm cho đủ, chúng tôi sẽ đánh mất đi tính huyền thoại của mình”. Trong khi công ty vẫn luôn tuyên bố là sẽ sản xuất nhiều hơn trong từng năm một, nhưng cho đến một vài năm trước đây, tôi đã nghĩ là họ đã giảm bớt sản xuất để khuấy động nhu cầu.

Sự ám chỉ này có nghĩa là Harley Davidson đã hiểu ngay từ đầu là khách hàng của họ có thể sẽ có quá nhiều những thứ tuyệt vời này. Không chỉ là những chiếc mô tô, công ty này có thể đã giới hạn tính sẵn sàng của họ để có thể tạo nên sự đặc biệt của Harley Davidson.

Đến thập niên 90, thương hiệu này rõ ràng là đã nhắm đến một hướng khác hẳn. Cùng với nước hoa và nước dùng sau khi cạo râu, công ty này còn tung ra thị trường các loại thùng giữ mát cho rượu nữa. Và như các bạn có thể dự kiến, những người lái mô tô không hứng thú với ý tưởng này chút nào.


“Những giá trị của Harley Davidson là mạnh mẽ, nam tính và rắn rỏi’, Charles E Brymer, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn về thương hiệu Interbrand Group ở New York nói. ‘Việc Harley Davidson đến với một phân khúc thị trường không phù hợp với những giá trị này sẽ là một thảm họa”.

Dù sao thì thảm họa cũng chỉ là một thảm họa có giới hạn. Công ty đã nhận thấy sai lầm của họ và đã ngưng việc sản xuất và bán nước hoa cũng như các sản phẩm không phù hợp khác.

Từ vụ sản xuất nước hoa mang thương hiệu Harley Davidson, các chuyên gia về thương hiệu đã rút ra kết luận:

- Chú tâm vào những giá trị thương hiệu của bạn. Nếu những giá trị của bạn là “mạnh mẽ, nam tính và rắn rỏi”, bạn không nên bán nước hoa hay thùng giữ lạnh cho rượu. Quần áo trẻ em cũng là một ý tưởng tệ hại.

- Đừng xem thường khách hàng chính của bạn. Với những thương hiệu đã có được tính trung thành mạnh mẽ, sự quyến rũ để thử nghiệm tính trung thành đến hết mức bằng cách mở rộng thương hiệu đến những chủng loại sản phẩm khác là hiển nhiên. Nhưng dù sao thì đó cũng là một chiến lược nguy hiểm và có thể dẫn đến việc mà các chuyên gia marketing gọi là “sự suy yếu thương hiệu”.

- Hãy nhớ, nhiều hơn có nghĩa là ít hơn. Khi bạn nghiên cứu các chủng loại sản phẩm qua một thời gian dài, bạn sẽ nhận biết rằng việc thêm vào có thể làm suy yếu sự lớn mạnh chứ không hỗ trợ cho sự lớn mạnh. “Càng thêm vào, bạn càng có rủi ro nhận chìm những ý tưởng khác biệt căn bản, và đó chính là yếu tính của thương hiệu”. Jack Trout đã nói thế trong các quyển Thương hiệu lớn, Rắc rối lớn: Những bài học khó khăn.

- Bám chặt lấy đặc trưng. Harley Davidson đã xây dựng thương hiệu của họ bằng cách ở yên với những gì mà họ làm tốt nhất - những chiếc mô tô Mỹ, to lớn và điển hình. Họ càng đi xa khỏi đích nhắm nguyên thủy này họ càng gặp nhiều rắc rối. Bất cứ một thương hiệu nào muốn mình là một thương hiệu của mọi sản phẩm cuối cùng sẽ thất bại trong việc tạo thành một đặc trưng mạnh mẽ cho bất kỳ chủng loại hàng hóa nào.

- Quản lý “nhãn hiệu Tình yêu” với sự cẩn trọng. Theo như chuyên gia quảng cáo Kevin Roberts, những thương hiệu thực sự thành công không có nhãn hiệu thương mãi. Chúng chỉ có những “nhãn hiệu Tình yêu”. Trong một bài báo trên tạp chí Fast Company, ấn bản tháng 9 năm 2000, Roberts liệt kê Harley Davidson như một ví dụ siêu hạng về nhãn hiệu Tình yêu và khuyến cáo công ty này không nên noi theo những luật lệ marketing thông thường. Mặc dù Roberts cho là bản thân những chiếc mô tô là hết sức thông thường, căn bản của thương hiệu mới có ý nghĩa và không cần phải so sánh chúng với những chiếc mô tô khác trên phương diện thể hiện. Roberts đã thổ lộ:

Là một nhãn hiệu Tình yêu, Harley Davidson có hai thứ. Một là tiếng máy nổ của nó. Hai là nó có thể chạy cực nhanh, vì vậy bạn cần phải điều khiển nó trong một tập thể. Yếu tố huyền thoại của chiếc Harley không phải ở những gì nó phô diễn, nó không cần đến những từ ‘hơn’.

Hầu hết các thương hiệu được xây dựng trên những từ hơn: nhanh hơn, lớn hơn, tốt hơn, sạch hơn… Sự đặc biệt không cần đến những từ này. Tính huyền thoại cũng không cần đến những cửa hàng chủ đề để mở rộng thương hiệu. Trên thực tế, cách tiếp cận này có khuynh hướng làm suy yếu tính huyền thoại.
sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét